Wednesday, April 13, 2011

The Miraculous Journey Of Edward Tulane



Một chú thỏ bằng sứ có thể đi tới những đâu?

Một chú thỏ bằng sứ có thể sống và yêu như thế nào?

Tình yêu mang vị gì?

Nếu là vị đau, chú có còn nên tiếp tục thương yêu?

Từ trước đến nay, mình không thích đọc fairy tale lắm. Mình luôn nghĩ nó hơi trẻ con chút chút. Dù rất nhiều bạn đã khen ngợi thể loại này vì tính sáng tạo, nội dung đáng yêu và tràn đầy cảm xúc. Nhưng mình vẫn nhất định không chịu đọc. Cho đến...

Không nhớ ngày nào tháng nào, nhưng nhớ rõ ngày ấy. Hôm ấy có hội chợ sách ở công viên Lê Văn Tám. Mình lon ton đi xuống đó với mục đích tham dự cuộc gặp gỡ với nhà văn người Ý, Alessandro Baricco - tác gia yêu thích của mình. Trước khi về cũng bày đặt đi lòng vòng hội chợ một chút, ngó nghiêng thử có gì hay không. Mình thấy cuốn này, Chuyến Phiêu Lưu Diệu Kỳ Của Edward Tulane, mới nhớ là Kotori có kể rồi và cô nàng cũng đang tìm mua. Bắt máy alo cho Kotori, hỏi nàng có mua không thì nàng bảo mua dùm. Tính mua cho nàng ấy thôi nhưng vì cái cover đẹp quá, cầm lòng không đậu nên mình cũng quyết định vác em nó vê. Về tới nơi là...cất đấy, chưng cho đẹp. Rồi một đêm chán đời, nằm trên giường không biết làm gì cho hết chán. Đảo mắt quanh phòng thì nhìn thấy em ấy. Thế là đọc, và rồi thế là yêu.

Mình chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ đọc bất cứ cuốn fairy tale nào, chứ đừng nói đến chuyện mình phải lòng nó. Ấy thế mà Kate DiCamillo lại làm mình phải lòng chàng Edward Tulane mới khổ chứ. Và rồi chàng ở với mình từ ấy đến giờ...

Truyện được kê ở kệ sách giành cho thiếu nhi. Mình tự hỏi liệu mấy đứa nhỏ đọc những câu này thì nó nghĩ gì và cảm thấy thế nào? Có đủ "lớn" để hiểu không? Khi mà ngay trang đầu, tác giả đã trích dẫn những dòng như sau:

Trái tim tan vỡ rồi tan vỡ

sống bằng tan vỡ.

Cần phải ra đi

qua bóng tối rồi bóng tối dày nặng hơn

và không quay lại

Ôi trời, truyện giành cho thiếu nhi đấy!

Truyện kể rằng ngày chưa xưa lắm, có một chú thỏ bằng đồ chơi bằng sứ được làm thủ công vô cùng tinh xảo. Chú vô cùng xinh đẹp và hoàn hảo. Vì vậy mà chú trở nên kiêu ngạo và không biết yêu thương một ai. Chú luôn được cô chủ Abilene chăm sóc, thương yêu, quan tâm nhất mực. Nhưng chú chẳng bao giờ yêu thương cô ấy cả. Và rồi cuộc đời xoay chuyển đưa chú rời khỏi vòng tay của Abilene bởi một tai nạn tình cờ. Chú lưu lạc khắp nơi, trải qua vô vàng sóng gió. Từ một chú thỏ kiêu căng, luôn xem mình là nhất, Edward bắt đầu học cách mở lòng để yêu thương. Chú yêu thương Abilene, thương ông lão đánh cá vui tính Lawrence và bà vợ hiền hậu Nellie. Chú cũng nhớ cả anh chàng lang thang Bull với cô nàng chó Lucy. Rồi chú cảm thấy ấm áp và cả đau đớn khi nhớ về câu bé tốt bụng Bryce và cô em gái bệnh tật nhưng đáng yêu, Sarah Ruth. Tất cả họ đều đi qua đời chú, để lại cho chú tất cả yêu thương và hạnh phúc. Nhưng những lần yêu thương ấy đều kết thúc thật đau đớn và tuyệt vọng. Lúc nào chú cũng bị đá văng ra khỏi hạnh phúc tưởng chừng như vĩnh viễn bởi trò đùa cợt quá lố của số phận. Nhưng rồi chú cũng đã đi đến cuối hành trình của mình, và đã có cho riêng mình một cái kết có hậu.

Kate DiCamillo viết chắc tay, đơn giản nhưng tràn ngập xúc cảm và hàm chứa rất nhiều điều khiến ta suy nghĩ. Khi đọc câu chuyện này tự dưng tôi nhớ đến Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry. Không phải về nội dung mà là cái cách nó tiếp cận người đọc. Cả hai đều giống nhau ở chỗ nó phù hợp với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi khi đọc sẽ có những cái nhìn khác về cùng một câu chuyện. Một điểm cộng nữa cho cuốn sách là những hình ảnh minh họa hoàn hảo của Bagram Ibatoulline. Tuy buồn nhưng đó là những bức vẽ vô cùng đẹp.

Tôi phải nói thật với bạn, tôi đã khóc khi đọc câu chuyện này. Tôi khóc mỗi khi Edward bị tướt đoạt đi yêu thương. Tôi khóc trước những câu chuyện nho nhỏ của những nhân vật trong chuyện. Tôi ngưỡng vọng tình yêu vĩ đại của Lawrence và Nellie. Tôi cũng bật khóc khi những người lang thang thì thầm vào tai Edward để trao gửi yêu thương. Tôi khóc khi cô bé Sarah mất, và cả cái dáng vẻ thất thểu tuyệt vọng của Bryce khi phải rời xa Edward. Và hơn hết, tôi hạnh phúc vì mình biết khóc.

Edward nhìn lên những vì sao. Chú bắt đầu gọi tên các chòm sao, nhưng rồi chú dừng lại.

"Bull", trái tim chú gọi. "Lucy".

Đã bao nhiêu lần, Edward tự hỏi, chú phải ra đi mà không kịp có cơ hội nói lời tạm biệt?

Một con chim dẽ cô đơn bắt đầu cất tiếng hót.

Edward lắng nghe.

Có điều gì đó đau quặn trong lòng chú.

Chú ước gì mình có thể khóc.

Khóc là điều con người chúng ta làm đầu tiên khi ra đời. Ta khóc khi ta hạnh phúc, thành công và vui sướng. Nhưng hơn hết, ta khóc khi ta buồn, ta đau và tuyệt vọng. Vậy chẳng phải chúng ta may mắn hay sao? Ít nhất là may mắn hơn Edward. Chú đau quá, đau đến điếng lòng, nhưng chú nào có thể khóc. Vì chú bằng sứ mà, bằng sứ mà...

Và tôi yêu chú!

Và tôi cũng biết rằng dù tình yêu thương mang vị đau, thì chúng ta vẫn cứ phải yêu thương. Đơn giản vì nếu sống mà không có yêu thương, ta chẳng khác gì khúc gỗ trong hang đá tối.

P/S: Vừa ngồi viết bài này vừa nghe Still Water của Maksim Mrvica, thiệt là nó não gì đâu luôn *sụt sùi*

Saturday, April 9, 2011

An Education [2009]



An Education là một bộ phim của đạo diễn Lone Scherfig, sản xuất năm 2009. Chuyện phim lấy bối cảnh những năm 60, kể về câu chuyện tình lãng mạn vô vọng của cô thiếu nữ mới lớn Jenny và người đàn ông tên David. Nội dung không có gì đặc sắc hay độc đáo, nhưng nhìn chung đây là bộ phim tốt, đáng để bỏ thời gian xem.



Jenny tình cờ gặp và rơi vào bẫy tình của David, người đàn ông hào hoa phòng nhã đầy bản lĩnh. Từ một cô nữ sinh chăm ngoan với cơ hội được theo học tại Oxford mở ra trước mắt, Jenny bị cuốn theo những thứ phù phiếm mộng mị mà David dẫn dắt cô. Nào là những bộ cánh mới, những đêm nghe nhạc jazz, những cử chỉ ngọt ngào, và cả những lời hứa hẹn mãnh liệt. Jenny bỗng chốc trở thành một thiếu nữ ham vui, chểnh mảng học tập. Và tưởng như cuộc đời cô trượt dốc từ đây, thì đúng lúc đó cô phát hiện ra một bí mật "nho nhỏ" của David, khiến câu chuyện lập tức xoay biến theo một hướng hoàn toàn khác...




Bộ phim nhận được đề cử cho phim xuất sắc nhất, và diễn viên nữ chính xuất sắc nhất cho Carey Mulligan ở Oscar 2010. Chỉ với cốt truyện đơn giản, vẫn xảy ra hằng ngày quanh ta. Nhưng không vì thế mà làm cho bộ phim bớt phần thú vị. Diễn xuất cực ổn của Carey Mulligan và Peter Sarsgaard cũng là điểm cộng cho thành công của bộ phim.

Mình xem bộ phim này đã hơn 4 lần, và mình thích nó. Ngoài nội dụng và diễn xuất, mình có một lý do riêng tư nho nho để mà thích An Education :)

Trong phim, khi David đề nghị được "yêu" Jenny. Jenny đã từ chối, và "khất" lại cho ngày hôm sau.

-David! If tomorrow night does happen, it's only ever going to happen once.

-Why will it only ever happen once?

-Because the first time can only happen once.

Mình rất thích cách nghĩ của Jenny ở đoạn này, "the first time can only ever happen once". Không phải chỉ dành cho hàm ý này, mà còn cho những trường hợp khác của cuộc sống.

Quote thêm câu này của Jenny nữa nà "If you don't do anything, you never become anyone." :)


Hôm nào quỡn sẽ viết về Never Let Me Go [2010], một phim nữa của Carey Mulligan.

Wednesday, April 6, 2011

Về cái chuyện xách giỏ đi ăn cưới


Đầu tiên, mình xin khẳng định là mình thích đám cưới lắm. Nó không chỉ là buổi "thông báo" với bàn dân thiên hạ việc gái đã có chồng, trai đã đeo...gông mà còn là hình thức của sự gắn kết thiên liêng của hai con người. Nhiều khi ngồi mơ mộng, ngó lên trời, dòm mây bay bay, mình ao ước có được cái đám cưới thật đẹp, thật hoành tráng lắm. Con gái mà, ai chả thế! Nhưng nếu nói vầy thì làm gì có chuyện mà ngồi tám ở đây.

Cái sự tám này nó không liên quan đến Lễ Gia Tiên này nọ, mà nó liên quan đến cái "trần tục" mang từ đám cưới kìa. Mình đi ăn cưới lần nào cũng như lần nấy. Vừa mừng cho cô dâu chú rể, nhưng lại rầu rầu cái bụng. Cái bụng nó rầu không phải vì tiền mừng, mà nó rầu vì nó chưa thấy cái đám cưới nào thật sự ấm cúng cả. Gửi xe, vô tới cửa làm vài ba cái thủ tục lặt vặt là tiền mừng và ký tên, cái có người chạy ra hỏi "Chị là bạn cô dâu hay chú rể". Và tùy vào mình trả lời mà mình được dắt tới đâu. Bàn này là của bạn cô dâu, khu vực này là bạn chú rể. Thế lỡ mình bạn cả hai thì mình ngồi...hai hàng à? Rồi đến khi vô ngồi trong bàn, ngó tới ngó lui thấy chẳng ai quen nên cũng chẳng biết nói chuyện gì nhiều:
- Em bạn ABC hả?
- Dạ.
- Em tên gì?
- Dạ, tên XYZ.
- Uh.
....
- Cô dâu xinh quá ha!
- Uh, dễ thương quá!
- Chú rể coi bộ cũng hiền lành.
...
- Ăn đi em, ngại gì!
- Dạ, ngại gì đâu anh. Cứ để em tự nhiên.
- Món này ngon đó chớ.
- Dạ, ở đây nấu ăn cũng được.

Đó, kịch bản thường là thế. Thêm chút hoa lá cành là vài nụ cười, vài cái gật đầu là xong. Không ai đi ăn cưới mà cứ cắm cổ ngồi ăn bao giờ, cũng phải ngại chứ. Nhưng xếp vô cái bàn không quen ai ráo thì biết nói cái chi.
Rồi, đến cái chuyện cô dâu chú rể tới từng bàn cụng ly cốp cốp dô dô. Mỗi bàn một ly. Đám cưới nhỏ nhỏ thì đỡ, lỡ mà đám cưới lớn thì thể nào đi một vòng trái đất như thế thì đêm tân hôn cả hai vợ chồng chỉ có nước mạnh ai nấy ngủ, sức đâu mà động với chả phòng. Đó còn chưa kể vì đông quá nên mỗi bàn chỉ gặp được cô dâu chú rể có một lần, rồi chờ đến khi ra về mới gặp thêm cú chót. Vậy đó, đám cưới coi bộ ngộ quá ha. Ngồi cả buổi gặp chú rể cô dâu được hai lần. Gặp lần đầu là "chúc anh chị hạnh phúc nha". Gặp lần sau trước khi ra về "Em về nha chị, chúc hai người hạnh phúc".
Mà nhiều chỗ phục vụ khách cũng rất tếu. Tôm đưa lên cả buổi, khách ăn gần xong thì vác hai đĩa muối tiêu đặt lên. Khách ngó nhau, không hiểu muối tiêu ăn với cái gì? Chẳng lẽ có món ... muối tiêu sao? Rồi có lần mình đi ăn cưới. Món khai vị dọn ra tô soup, thêm chục chén. Cô phục vụ xinh xinh nhanh tay múc mỗi chén một muỗng lớn soup, rồi lẳng lặng bưng tô soup chạy vô trong. Khách có muốn ăn thêm cũng đành ngồi đó mà nhìn. Haizz! Mấy ông anh hay nói vui, đi ăn cưới xong là phải ghé vô tiệm phở dợt đợt hai mới đặng. Nghĩ thấy tếu mà cũng chẳng sai.
Vậy chớ đi ăn cưới là đi làm chi. Đi chúc mừng thì cũng chẳng đủ, đi ăn cũng chẳng no, đi cho vui thì cũng chẳng ra sao? Coi bộ, cái vụ cưới xin này ngộ quá. Cần xem xét kỹ mới được :D