Friday, February 4, 2011

"Vết cắt ở đâu cũng xót"

Tôi chỉ là một đứa trẻ không cha, ra đời giữa những tiếng khóc và những lời chửi bới. Tôi lớn lên không tiếng cười. Tôi chưa bao giờ biết sữa mẹ mặn ngọt như thế nào. Mẹ nuôi sống tôi, với tôi đó đã là cả một ân huệ. Ai cũng có quyền quay mặt với mẹ nhưng tôi thì không. Khi lấy em, tôi đã nói: "Tôi chỉ có mình mẹ và mẹ cũng chỉ có mình tôi". Em gật đầu, tôi nghĩ là em đã hiểu.
Những người đàn bà không chồng mà chửa, tội lỗi có bao giờ thuộc về đàn ông? Tôi sinh ra ở nơi ấy, nơi mẹ tôi lớn lên giữa tuổi mười lăm đẹp là thế...Đêm tối lắm. Giá như trời cứ sáng mãi thì sẽ không có đêm, không có đêm thì sẽ không có tôi. Cánh đồng hết mùa, những gốc rạ nằm chỏng chơ, thoi thóp. Tiếng gào thét quay quắt, vô vọng đến khản đặc của mẹ vì bị cưỡng bức. Mười lăm tuổi, mẹ sống với những ngày buồn đằng đẵng. Mẹ tôi sợ đêm. Tôi đã hy vọng em lắng nghe và yêu lấy mẹ. Nhưng có lẽ đòi hỏi của tôi lớn quá chăng?
Tôi biết ơn em vì em đã chấp nhận lấy tôi. Chúng ta đã rất khó khăn để đến được với nhau. Gia đình em không chấp nhận mẹ tôi. Tôi đã từng từ bỏ. Khi ấy, em nhìn vào mắt tôi và hỏi: "Tình yêu của chúng mình chưa đủ lớn à?". và tôi lại đứng lên. Chúng ta "trường kỳ kháng chiến" cho đến một ngày "kháng chiến thành công". Tôi luôn sợ em hối hận. Giữa bao nhiêu người, tại sao em lại chọn tôi?
Tôi thức dậy mỗi ngày và luôn giật mình kiếm tìm em. Tôi hạnh phúc khi được tự do reo gọi tên em là "vợ của tôi". "Vợ" - nếu em biết tiếng nói ấy với tôi quan trọng và cần thiết đến nhường nào thì em có ra đi hay không? Tôi nhắm mắt và bước ra giữa dòng người tấp nập, tiếng còi xe chạy qua inh ỏi. Nhưng nếu tôi ra đi, mẹ sẽ chỉ còn một mình. Nếu em hiểu, tôi đã phải sống chỉ vì không thể chết, em có bỏ tôi ra đi?
"Em muốn chúng ra dọn ra ở riêng". Em nói em không chịu nổi "Một bà mẹ chồng không ra sao cả". Tôi tát em một cái và mất em vĩnh viễn. Xin em hãy hiểu cho tôi. Em về làm dâu mẹ tôi, sống thiệt thòi nhiều hơn là đầy đủ. Mẹ sống tách biệt với chúng ta ngay dưới một mái nhà. Mẹ chưa một lần gọi tôi là con nên em cũng đừng thắc mắc vì sao mẹ luôn nhìn em như một kẻ xa lạ. Hơn hai mươi năm qua, tôi luôn cố gắng gần mẹ nhưng càng cố gần lại càng xa. Nên em cũng đừng trách mẹ vì sao không chấp nhận em, vì sao luôn gạt bỏ sự quan tâm chăm sóc của em. Tôi đã nói: "Sống với mẹ sẽ không dễ dàng". Em gật đầu, tôi nghĩ là em đã hiểu. Tôi chỉ mong em để mẹ được sống là mẹ - đúng nghĩa.
Mẹ đang yêu, cả hai chúng ta đều nhận ra điều ấy. Một ngày em gọi điện cho tôi, lôi tôi bằng được ra khỏi cuộc họp. Em bảo: "Anh hãy về mà xem mẹ đang làm cái gì". Tôi lao như bay ra khỏi cơ quan. Trong gian phòng khách chật hẹp, mẹ, em và một người đàn ông tôi không quen, đưa mắt nhìn tôi. Em sấn tới trước mặt tôi, chỉ tay về phía người đàn bà ngồi đối diện: "Đấy, người tình vĩ đại của mẹ anh đấy!". Em nghiếng răng nói đầy chua chát, mỉa mai. Tôi đưa mắt về phía mẹ. Mẹ cúi mặt. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ như thế - nhỏ bé và yếu đuối.
Những ngày sau ấy, cuộc sống của chúng ra trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Em rên rỉ hàng ngàn lần mỗi đêm rằng em xấu hổ, rằng em không dám ra đường, không dám gặp đồng nghiệp. Em coi thường mẹ cả trong lời nói lẫn cái nhìn. Trước em, mẹ chỉ im lặng. Mẹ tôi có đáng bị như thế hay không? Em buộc tôi chọn lựa: "Em hoặc mẹ anh". Tôi đã từng nói cả thế giới có quyền coi thường mẹ tôi nhưng tôi thì không. Không có mẹ thì không có tôi - chồng của em.
Chúng ta ly hôn, không cần những ngày hòa giải. Em nói điều đó vô ích, nói tôi không có quyền hối hận. Tôi hiểu những dằn vặt em phải gánh chịu. Tôi không trách em. Em cứ oán giận tôi nhưng chỉ xin hãy hiểu một điều: Đừng bắt tôi chọn lựa hoặc mẹ tôi hoặc em. Với tôi, cả mẹ và em đều là máu thịt, một vết cắt dù là ở nơi đâu cũng xót...

Source: Phạm Mỹ Việt, tạp chí Thế Giới Phụ Nữ, 8/11/2010.
-------------------------------------------------------------
Một mẩu truyện nho nhỏ đọc trong tạp chí thấy hay và sâu nên post lại đây cho mọi người cùng đọc.
Tôi sinh trưởng trong một gia đình miền Trung gốc. Cha mẹ nuôi dạy tôi một cách thoải mái. Phần vì thương con, phần vì tôi là đứa cứng đầu từ nhỏ. Nói là thoải mái, nhưng xét so với nhiều gia đình khác thì vẫn thuộc loại nghiêm khắc và kỹ. Mẹ dạy tôi nữ công gia chánh, tôi học được hết ngoại trừ việc may vá. Tôi không hạp lắm với kim chỉ. Ba tôi người miền Trung, gia trưởng nhưng không quá khắc nghiệt. Ông dạy tôi những lễ nghĩa cần có để sống. Ngày nhỏ, tôi không quá coi trọng những điều răng dạy của cha mẹ, đầu tôi cứng mà. Nhưng càng lớn, tôi lại càng tâm đắc với những điều cha mẹ khuyên bảo. Trong đó, chuyện yêu đương và hôn nhân gia đình được ba mẹ tôi khá chú trọng. Tôi học từ mẹ việc chu toàn cuộc sống gia đình là đến từ người đàn bà, êm ấm hay không cũng từ đây mà nên. Bà vẫn luôn dạy tôi rằng "Lấy chồng không đơn thuần chỉ lấy người ấy làm chồng, mà thật ra là lấy cả gia đình bên ấy". Điều này cũng tương đồng với ý kiến của ba tôi "Mình đối với gia đình mình ra sao, thì cũng phải như vậy với gia đình chồng". Tôi đã lớn lên với những điều ấy, và tôi nghĩ nó đúng. Giờ đây, xã hội ngày càng hiện đại, tôi cũng hiện đại theo. Tuy rằng tôi vẫn tâm niệm rằng người chồng là bầu trời của người vợ, là trụ cột trong nhà, chuyện nội trợ bếp núc phải là của người nữ. Nhưng tôi cũng nghĩ nếu người đàn ông biết chia sẻ gánh nặng cho vợ, đỡ đần chút ít việc nhà cũng là hay. Tôi cũng giữ quan niệm về việc yêu thương và gắn bó với gia đình chồng. Nhưng tôi luôn dặn bản thân, nếu không thể dung hòa nổi với gia đình người yêu thì tuyệt đối không kết hôn. Đừng bao giờ nghĩ cứ cưới trước rồi hẳn sống sau. Ta cứ nghĩ ta có thể làm được nên ta tự tin mà lao vào. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ có thương đau.
Đọc bài báo ấy, tôi thấy tội cho mọi người trong cuộc. Người mẹ, người đàn ông và người vợ, tất cả họ đều rất đáng thương. Người đàn ông có đôi phần ích kỷ khi chỉ khăng khăng nghĩ tới cảm xúc của người mẹ, mà không nghĩ tới người vợ. Cô ấy hiểu việc sống với mẹ chồng sẽ khó thế nào, và cô ấy cũng đã cố gắng quan tâm chăm sóc. Nhưng ai cũng vậy, gửi gắm yêu thương mà không được chấp nhận thì rồi sẽ có lúc mệt mỏi mà rũ bỏ. Cô ấy nghĩ rằng tình yêu của họ là một tình yêu đủ, đủ cho họ và đủ cho cả người mẹ. Nhưng cô ấy đã lầm. Vậy nên tôi luôn nghĩ từ tình yêu đến hôn nhân là cả một con đường mòn dài dằng dặc, và đừng bao giờ xem tình yêu là điều kiện duy nhất của hôn nhân. Như vậy có gay gắt quá không nhỉ?
Người vợ, nông nỗi đôi phần, đã tự đưa mình vào một tình thế cực bế tắc, "Em hoặc mẹ anh". Có một lần xem phim Việt Nam, không nhớ phim gì, hình như là Cuộc Chiên Hoa Hồng hay gì gì đấy, nhân vật nam trong lúc bực tức đã nói với người vợ, đại ý rằng mẹ anh ta là tất cả đối với anh ta, rằng cô ấy chỉ hơn mẹ anh ấy ở chỗ là bà không thể sinh con cho anh được. Thoạt đầu, tôi thấy hơi buồn cười, vì nói vậy hóa ra vợ anh ta đơn thuần là cái mày đẻ à? Nhưng nghĩ cho cùng, ý nói đó đúng thật. Vợ có thể bỏ, nhưng chẳng người đàn ông đàng hoàng nào lại bỏ rơi mẹ mình. Vậy nên những cô gái, những cô vợ đừng bao giờ bảo rằng "Em hoặc mẹ anh, chọn đi". Vì đơn giản là chúng ta đã thua ngay từ khi câu ấy được nói ra.