Tôi sinh ra và lớn lên cùng biển, nhưng chẳng bao giờ tôi yêu biển.
Nhà tôi cách biển chưa tới 10 phút đi bộ, gần đến nỗi mỗi khi mưa bão tôi lại lo sợ đến khôn cùng.
Một năm, sáu bảy lượt bão ghé đến hỏi thăm quê hương nhỏ bé của tôi. Quanh năm dành dụm được bao nhiêu, bão đến bão mang đi cả, không chừa lại cái gì. Nhà tôi, ba mẹ làm công chức không phải ngư dân, nên tôi thật sự không thấy, không hiểu hết cái đau đớn khổ sở mà bão mang lại.
Năm 1993, năm bão lịch sử của tỉnh Phú Yên, lúc ấy tôi mới 5 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ rất nhiều điều từ cơn bão ấy. Ba tôi phải đi trực, ông làm công an, ở nhà còn mẹ, bà nội, anh tôi và tôi. Trước khi đi trực, ba đã gia cố cửa nẻo, lợp lại ngói cho chắc. Ấy thế mà bão tới, ngói vẫn bị gió thổi tốc lên, rớt bộp bộp xuống đất. Tôi, nội, và anh chui xuống gầm cái bàn lớn để trú bão. Thảng hoặc lại nghe tiếng ngói rớt trên nền nhà. Mẹ thì chập chập lại chạy ra khỏi cái gầm bàn để xem nhà cửa ra sao. Thật ghê gớm, gió ào ạt quét qua mọi nơi, tiếng gió rít lên từng cơn nghe như ai đó gầm thét. Cửa đi, cửa sổ thì thay nhau run lên lập cập từng hồi. Nhưng tệ hại nhất vẫn là cái xe ô tô đậu trước của nhà, không biết của ai, chỉ nghe mẹ bảo có xe 12 chỗ ngồi mắc bão nhưng không thấy có người, chắc đã chui vào nhà nào tránh rồi. Cứ như thế, tôi ngồi thu lu dưới gầm bàn rồi ngủ quên lúc nào không biết. Đến tận sáng hôm sau, khi ba về tôi mới thức dậy. Điều đầu tiên tôi cảm nhận sau khi mở mắt là "Hôm nay trời đẹp ghê", không khí trong lành sáng sủa đến lạ, gió đã ngừng hẳn, mưa chỉ còn lất phất mấy hạt. Và đó cũng là lúc mọi người cùng nhau đếm thiệt hại! Nhà tôi không bị gì nặng lắm, có một cái cửa sổ bị bung, vài ba miếng ngói vỡ vụn. Nhà bên cạnh có "thiệt hại" vui nhất, cây táo nho nhỏ, cao khoảng 1m60, bị hất tung và nằm chễm chệ trên...mái nhà. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh ấy, trong lúc khốn cùng ấy mà mọi người lại cười rũ rượi vì ...cây táo mọc trên nóc nhà. Âu cũng là niềm vui nho nhỏ mà ông trời đền bù. Nhưng sau này, ba nói lại tôi mới biết năm đó đã có rất nhiều ngư dân chết và mất tích. Xót đau từng khúc ruột.
Năm nhất đại học, một bạn trong lớp nói thế này " Tao là tao ghét nhất cái tụi miền trung keo kiệt ". Không quay lại nhìn, không thèm nói gì, tôi chỉ nở một nụ cười mỉa mai dành cho câu nói ngờ nghệch đó. Ôi chao, trên đời lại có những người nói ra những lời nói sao mà ngu dốt đến vậy! Câu nói ấy đến giờ tôi vẫn nhớ, và cũng biết ai đã nói ra câu ấy, và tôi cũng chẳng bao giờ dành nổi một sự tôn trọng, dù là nhỏ nhất cho người bạn kia. Người bạn đó có lỗi trầm trọng trong từ vựng tiếng Việt, bạn ấy đã không phân biệt được keo kiệt với tằn tiện, với tiết kiệm. Miền trung nào có đâu những dãi đất phù sa màu mỡ, miền trung chỉ có sỏi với đất mà thôi. Và vì nghèo quá mà hằng năm hàng ngàn ngư dân miền trung ra khơi với phương tiện nghèo nàn, không có sự bảo hộ nào cả. Cực khổ vậy, mà bão đến, nó càn nó quét nó lấy sạch, không chừa cho người dân dù là cái mạng quèn. Sau mỗi cơn bão, ba thường đi " thăm bão", nôm na là đi thăm bà con vùng bão. Ba kể cho tôi nhiều lắm, về bữa cơm một lon gạo mốc với chén mắn mặn của một bà lão và 4 đứa cháu, về một cô bé con con vấn tang tiễn cả cha và anh trai, về người vợ cứ chiều chiều lại ra biến mà ngóng chồng về. Và lòng yêu thương người dân miền trung máu mủ của tôi lớn dẫn theo từng cơn bão, theo từng lời kể của ba. Vậy nên phải tằn tiện, phải tiết kiệm mới có thể sống nổi với mảnh đất miền trung ấy. Giờ đây, dù khoa học tiến bộ rồi nhưng hàng năm, mỗi mùa bão về, lại có những gia đình trắng khăn tang, những người mẹ mất con, người vợ mất cha và những đứa con thơ dại mất cha. Ấy, người miền trung của tôi đấy, khúc ruột của cả nước đã sống như thế với từng cơn cuồng nộ của đất trời đấy.
.....
Tôi giờ đây đang học ở Sg, không còn biết đến những cơn bão nữa. Nhưng mỗi khi nghe bảo về, lại đỗ vào miền trung thì tôi lại buồn lắm, và lo sợ lắm.
Mấy người họ hàng đến PY chơi, cứ khen mãi biển PY trong và bình lặng ghê. Nhưng chỉ có ai là người PY, như tôi mới biết biển ghê gớm tới mức nào. Và từ đó, đối với tôi, chẳng có một vùng biển nào là yên bình hết. Biển gắn liền với bão, với mất mát, với niềm đau. Vì thế, tôi ghét biển đến vô cùng. Nhưng tôi sinh ra với biển, tôi lớn lên cũng biển, và có lẽ tôi sẽ "sống" với biển đến cuối cuộc đời, dù là trong tâm tưởng.
1 comment:
quê xí ở Hải phòng,cũg có biển nhưng ít bão lắm,phải nói là hầu như k có bão luôn í.cho nên Xí chưa bao giờ biết vê` bão cả.
Post a Comment